TÁN GẪU: PHƯƠNG PHÁP “PHÁ BĂNG” HIỆU QUẢ
“Chứng sợ tán gẫu”
Từ này có nghĩa là nỗi sợ trò chuyện với người khác, người mắc phải chứng bệnh này thường hạn chế tham gia các sự kiện xã hội hoặc giao lưu kết nối. Nhiều người trong số này đơn giản chỉ là sợ hãi cảm giác phải trò chuyện liên tục với những người mình không quen biết. Chúng ta thường gán cho họ là người nhút nhát, tuy nhiên chỉ có một số ít là thật sự không cảm thấy vui vẻ gì khi trò chuyện với người khác. Hầu hết chúng ta không ngại nói chuyện, mà chỉ ngại phải tìm kiếm ai đó để trò chuyện cùng mà thôi.
Vì vậy, các chủ doanh nghiệp cần bắt kịp những xu hướng và trào lưu hiện nay. Có thể tận dụng các chủ đề và câu chuyện đăng tải mới nhất trên báo đài để “phá băng” và giúp bạn tìm kiếm điểm chung giữa mình với người mà bạn chưa từng gặp trước đây hoặc khi giữa đôi bên không có quá nhiều điểm chung. Tuy nhiên với thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, việc gặp mặt trò chuyện tán gẫu dần trở nên khó khăn hơn, nhất là khi cuộc trò chuyện diễn ra giữa hai đối tượng quá khác biệt về độ tuổi. Vậy làm thế nào để bắt đầu và duy trì cuộc trò chuyện với một người mà bạn chưa hề quen tại các sự kiện giao lưu kết nối?
Chủ động đặt câu hỏi “phá băng”
Điều này nghe có vẻ đơn giản, và thật sự là như vậy. Một cách hiệu quả khiến người khác phải trò chuyện là đặt một vài câu hỏi dẫn dắt để tìm hiểu đối phương quan tâm về điều gì, sau đó bám theo chủ đề đó để tiếp tục trò chuyện. Bạn không cần quá am hiểu về chủ đề trò chuyện, mà chỉ cần biết đủ thông tin để đặt câu hỏi là được.
Việc này dễ dàng hơn bạn nghĩ. Các trang tin trức online đã cải tiến phân loại các mục nội dung thân thiện hơn với người dùng, chẳng hạn như Tin hot, Thể thao, Giải trí và Công nghệ, v.v… Vào mỗi tối trước khi đi ngủ hoặc sáng sớm khi bạn thức dậy, chỉ cần dành vài phút đọc qua một vài tiêu đề hoặc một hai câu đầu của bản tin, bạn sẽ ngạc nhiên về những thông tin hot mà mình thu thập được chỉ từ vài cái click chuột trên website. Vậy là bạn đã có đủ thông tin cần thiết để đặt câu hỏi và trò chuyện với một người lạ chưa từng quen.
Khiến đối phương cảm thấy họ là chuyên gia
Tiến sĩ Ivan Misner chia sẻ câu chuyện như sau: Tôi nhận ra giá trị của việc đặt câu hỏi và khiến đối phương trả lời. Khi ấy tôi có chuyến bay đi công tác, và ngay trước khi cất cánh, tôi đã gặp gỡ và trò chuyện với một người ngồi kế bên mình. Tôi không nhớ mọi chuyện bắt đầu từ đâu, chỉ biết rằng tôi không hiểu về lĩnh vực kinh doanh của anh ấy và bắt đầu đặt câu hỏi. Từ câu hỏi đó dẫn dắt sang các câu hỏi khác, và cứ thế tiếp tục cho đến khi kết thúc chuyến bay dài 2 tiếng đồng hồ. Tôi nhận ra mình và anh ấy đã “tán gẫu” với nhau trong suốt hành trình bay. Chúng tôi đã kết nối với nhau rất tốt và tôi học được nhiều điều mới từ anh ấy. Khi đang chờ lấy hành lý từ băng chuyền, anh ta đã khen ngợi tôi là một người biết cách trò chuyện.
Một chuyên gia networking mà tôi quen biết có tên là Susan dành ra hầu như mỗi ngày để đọc các bản tin thể thao trên báo chí, dù cô không hề có hứng thú gì về thể thao. Bản thân tôi cũng chẳng phải người đam mê thể thao, nên tôi hỏi cô ấy “Việc gì cô phải ép buộc bản thân làm như vậy?”, và cô đáp “Những đối tượng mà tôi thường kết nối kinh doanh hầu hết là đàn ông. Tôi không muốn mình là người ngoài cuộc khi họ trò chuyện về những nội dung quan trọng, vì tất cả cuộc trò chuyện luôn bắt đầu bằng việc bàn tán về trận đấu đêm trước đó.”
Hãy dành vài phút mỗi ngày để lướt tin tức và trang bị cho bản thân đủ kiến thức về những xu hướng, trào lưu mới nhất, và tất nhiên bao gồm cả các bản tin thể thao. Hãy sử dụng kiến thức này để đặt câu hỏi “phá băng” và bắt đầu cuộc trò chuyện với đối phương. Tán gẫu thực chất là một chiến lược kết nối kinh doanh hiệu quả, ngoài ra còn là cơ hội giúp bạn học hỏi thêm được rất nhiều điều từ người khác.
(Nguồn: Ivanmisner.com)