Chia sẻ kiến thức

LÀM THẾ NÀO ĐỂ NETWORKING KHI CÓ “VOI TRONG PHÒNG”?

Những chuyên gia giao lưu kết nối kỳ cựu hiểu rằng hoạt động networking không phải lúc nào cũng hoàn hảo 100% như ta mong muốn. Đôi khi vấn đề sẽ xảy ra giữa các thành viên trong cùng một nhóm giao lưu kết nối.

Tuy nhiên thay vì trực tiếp nói chuyện để giải quyết vấn đề, thì họ lại né tránh nhau vì cảm thấy không thoải mái, và vấn đề sẽ diễn biến phức tạp hơn. Vấn đề này trở thành “the elephant in the room” (con voi trong phòng) và khả năng cao sẽ gây rắc rối lớn cho nhóm kết nối của bạn.

Rắc rối có thể xảy đến với bất kỳ nhóm kết nối nào có nhiều thành viên với nhiều tính cách khác nhau tham gia. Điều này cũng khá đúng với các nhóm kết nối kinh doanh hẹn gặp mặt trực tiếp hoặc online hàng tuần. Nếu cả nhóm đều nhận thấy rõ có hai thành viên bất kỳ đang né tránh nhau, họ sẽ cảm nhận được sự tiêu cực và hình thành cảm giác “con voi trong phòng”, từ đây có nguy cơ xảy ra mâu thuẫn cho cả nhóm.

“Con voi trong phòng” là gì?

The elephant in the room (tạm dịch “Con voi trong phòng”) được định nghĩa là “thành ngữ ẩn dụ cho một chủ đề lớn hoặc vấn đề gây tranh cãi hiển nhiên hoặc ai cũng biết, nhưng không ai đề cập hoặc muốn thảo luận vì nó khiến ít nhất một số người trong số họ cảm thấy khó chịu”. Thành viên cảm thấy khó chịu sẽ lờ đi vấn đề phát sinh ban đầu với đối phương và chọn cách tránh mặt trong các buổi hẹn gặp của cả nhóm. Cũng vì vậy mà vấn đề chưa được giải quyết sẽ leo thang và bất kỳ ai trong nhóm cũng có thể nhận thấy. Mâu thuẫn nhỏ ban đầu giữa hai người giờ đây đã trở thành “con voi trong phòng” đối với tất cả thành viên. Vậy làm thế nào để “thuần hóa” và loại bỏ con voi này đi? Dưới đây là 3 tình huống lý giải tại sao một nhóm kết nối thường xuất hiện “con voi trong phòng”, đồng thời là phương án “thuần hóa” khả dĩ nhất:

Con voi thứ 1: Cơ hội kinh doanh kém chất lượng

Lý do tham gia nhóm kết nối kinh doanh là để xây dựng mối quan hệ vững mạnh với các thành viên khác, từ đó cùng trao cơ hội kinh doanh cho nhau. Thông thường đây là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi vì người nhận cơ hội kinh doanh có thêm khách hàng mới, và người trao cơ hội kinh doanh cũng cảm nhận được giá trị Cho là Nhận®. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp cá biệt là cơ hội kinh doanh kém chất lượng, là khi thời gian dành ra tương đối nhiều nhưng rốt cuộc không thể chốt giao dịch thành công. Khi thành viên nhận được cơ hội kinh doanh kém chất lượng, cũng là lúc “con voi đầu tiên” sẽ xuất hiện.

Khi xảy ra mâu thuẫn với một ai đó, chúng ta thường có xu hướng kể cho một người khác thay vì trò chuyện trực tiếp với đối phương. Điều này chỉ khiến mọi chuyện tồi tệ hơn mà thôi.

Trò chuyện với thành viên đã trao referral kém chất lượng cho bạn.

Trong hầu hết các tình huống như thế này, thật sự cơ hội kinh doanh không hề kém chất lượng, mà vấn đề nảy sinh đơn giản chỉ là hiểu lầm giữa đôi bên. Khi ấy việc né tránh chỉ khiến vấn đề tồn đọng mãi, vì vậy hãy trò chuyện cởi mở và chân thành với nhau. Hãy dành thời gian trò chuyện nhưng không đối đầu, và làm điều này càng nhanh càng tốt sẽ giúp vấn đề không diễn biến nghiêm trọng hơn.

Con voi thứ 2: Bất đồng quan điểm cá nhân

Networking (kết nối kinh doanh) sẽ dễ dàng hơn bao giờ hết nếu không có sự tham gia giữa người và người, nhưng vì ý nghĩa của networking là xây dựng mối quan hệ với nhau, do đó sự bất đồng quan điểm cá nhân là không thể tránh khỏi và mâu thuẫn sẽ nảy sinh. Nếu cả hai vì cảm thấy không thoải mái mà né tránh nhau, không cùng nhau giải quyết bất đồng thì “con voi thứ hai” sẽ xuất hiện.

Tập trung vào giải pháp, đừng quá chú tâm vào vấn đề.

Nếu chỉ tập trung vào vấn đề thì bạn sẽ trở thành chuyên gia về vấn đề đó. Khi đối diện với một vấn đề, điều đầu tiên chúng ta thường làm là tập trung vào tình huống tiêu cực, và điều này vô tình đẩy chúng ta ra xa khỏi việc tìm cách xử lý hiệu quả.

Bạn cần hình thành thói quen tập trung vào xử lý tình huống và tìm ra giải pháp. Thay vì phản ứng với vấn đề gặp phải, hãy dành thời gian phân tích toàn bộ sự việc, sau đó viết ra danh sách những hướng giải quyết khả thi nhất. Khi bạn chủ động suy nghĩ phương pháp giải quyết, bạn cũng đang chuẩn bị cho bản thân để sẵn sàng đương đầu với bất kỳ khó khăn phía trước. Thông thường, chỉ cần cả hai trò chuyện trực tiếp và thẳng thắn với nhau thì vấn đề sẽ được giải tỏa.

Con voi thứ 3: Thành viên đổ vỡ tình cảm

Các nhóm kết nối kinh doanh sẽ thu hút những người có cùng chí hướng. Đôi khi điều này cũng kết nối các thành viên với nhau hơn mức đối tác kinh doanh bình thường. Qua nhiều năm, tôi đã chứng kiến rất nhiều cặp đôi hẹn hò, yêu nhau, sau đó về chung một nhà và xây dựng tổ ấm chỉ vì họ đã có duyên gặp nhau tại một tổ chức kết nối. Mặt khác, điều này cũng có thể nhanh chóng tạo ra “con voi thứ ba” nếu mối quan hệ tình cảm trở nên tiêu cực và cả hai vẫn tiếp tục tham gia nhóm kết nối sau chia tay.

Đặt mục tiêu kết nối lên hàng đầu và tiếp tục tham gia.

Hãy trân trọng những giá trị mà nhóm kết nối kinh doanh mang lại cho bạn, và vượt qua những cảm xúc tiêu cực nếu tình cảm cá nhân giữa bạn và một thành viên khác trong nhóm rạn nứt. Đừng đánh mất những nguồn cơ hội kinh doanh quý giá mà bạn đã gây dựng được. Bạn càng thể hiện sự chuyên nghiệp sau khi chia tay thì các thành viên trong nhóm sẽ càng tôn trọng bạn hơn. Vì thế, hãy nhớ rằng không bao giờ nói xấu về đối phương hoặc kể lể về việc chia tay cho bất kỳ ai khác trong nhóm.

Bất kể lý do là gì, những ai tham gia kết nối kinh doanh cũng sẽ có một ngày gặp phải tình huống “con voi trong phòng”. Khi ấy, đừng quá tập trung vào vấn đề, mà hãy tập trung phát triển kinh doanh. Đừng phá hủy cầu nối giữa bạn với những thành viên khác bằng cách né tránh họ hoặc né tránh những tình huống khiến bạn không thoải mái. Thay vào đó, hãy chia sẻ với họ về điều khiến bạn phiền lòng. Không ai có thể đoán trước tương lai, vì biết đâu cả hai sẽ trở thành bạn thân hay thậm chí là đối tác kinh doanh ý nghĩa nhờ vào sự xuất hiện của “con voi” ban đầu.

(Nguồn: Ivanmisner.com)

Newsletter

Đăng ký tham dự

Bạn muốn tham dự một buổi họp hàng tuần của chúng tôi chứ?