Chia sẻ kiến thức

CUNG CẤP THÔNG TIN CÓ GIÁ TRỊ ĐỂ NHẬN THÊM NHIỀU CƠ HỘI KINH DOANH

Tất cả chúng ta đều muốn hợp tác kinh doanh với người chúng ta biết và tin tưởng. Vậy, bạn xây dựng mối quan hệ và tạo sự tin tưởng với các mối liên hệ mới tại các sự kiện kết nối kinh doanh như thế nào? Có một cách đó là đưa ra lời khuyên có giá trị gia tăng – cung cấp thông tin hữu ích, chắn chắn để giải quyết các mối quan tâm thực sự cho người khác.

Ví dụ, một đại lý bất động sản có thể đang nói chuyện với một người tại sự kiện kết nối chưa sẵn sàng mua nhà lúc này, tuy nhiên họ sẽ sớm cân nhắc. Người đại lý có thể nói điều gì đó chẳng hạn như:

“Vâng, tôi biết hiện tại bạn chưa quan tâm đến việc mua nhà. Vậy nào khi bạn sẵn sàng bắt đầu tìm kiếm, tôi khuyên bạn nên ghé thăm vùng phía bắc của thị trấn. Nhiều khách hàng của tôi đã thấy nhà của họ được đánh giá cao khoảng 10 – 20%, và theo những gì tôi hiểu, thành phố đang dự kiến xây đựng một trường học cấp ba khác ở vùng đó.

Đây là ví dụ cho thấy rằng việc cung cấp thông tin có liên quan sẽ mang lại giá trị mà không bị chào hàng quá mức. Một khẳng định như vậy thừa nhận rằng người đó hiện không nằm trong thị trường mục tiêu, nhưng vẫn cho thấy chuyên môn của người đại lý bất động sản, khiến họ trở nên đáng nhớ khi đến lúc người kia cần có một mối liên hệ mới để bắt đầu săn nhà.

Mô hình này có thể hiệu quả với nhà tư vấn, kế toán, hoạch định tài chính, nhà huấn luyện, và đối với hầu hết các chuyên gia trong ngành dịch vụ, ở đó kiến thức là sản phẩm chính.

Cung cấp một chút cơ hội thử nghiệm

Một số người lo ngại về việc trao miễn phí nguồn vốn trí tuệ của họ. Hiểu theo hướng này: rất ít người sẽ lựa chọn làm việc với bạn nếu họ không chắc chắn bạn có thể làm nên chuyện và cung cấp những gì họ cần.

Nếu doanh nghiệp của bạn không kinh doanh sản phẩm hữu hình, bạn chỉ có chuyên môn kỹ thuật để chứng minh khả năng có thể giúp họ giải quyết vấn đề. Hãy nghĩ về điều đó – khi bạn sẵn sàng mua xe hơi, vấn đề không nằm ở việc bạn đã nghiên cứu bao nhiêu về mẫu xe cụ thể, nhưng bạn sẽ không thể ký tên lên dòng chấm chấm cho đến khi bạn lấy xe để lái thử.

Điều này cũng đúng với khách hàng tiềm năng. Hãy cho họ “lái” thử một chút để họ biết cảm giác làm kinh doanh với bạn là như thế nào. Nếu bạn là cố vấn marketing, hãy cung cấp cho họ một số ý tưởng về cách họ có thể tăng khả năng hiện diện cho doanh nghiệp của họ. Đừng quá lời, chỉ đơn giản cung cấp một kỹ thuật bạn đã đọc hoặc đã thử với một trong các khách hàng của bạn. Hãy cho họ một thứ gì đó dùng thử để xem liệu nó có hiệu quả với họ không.

Cách cung cấp lời khuyên này đưa đến một cuộc hội thoại tích cực với các khách hàng mới trong lúc bạn đang kết nối, và nó cũng tăng khả năng họ liên hệ với bạn khi họ có nhu cầu đối với loại dịch vụ của bạn trong tương lai.

Nguồn cơ hội kinh doanh tiềm năng

Hãy nhớ rằng các thành viên trong nhóm kết nối của bạn cũng là các nguồn cơ hội kinh doanh tiềm năng. Xem xét những cách bạn có thể trao cho họ lời khuyên có giá trị liên quan đến chuyên môn hoặc ngành nghề của bạn. Bạn có thể nói với họ về những thay đổi sắp tới trong các thủ tục sẽ ảnh hưởng đến họ, cho họ một số mẹo về cách bắt đầu những thay đổi họ sẽ cần thực hiện, hoặc cung cấp thông tin thích hợp khác có thể giúp các thành viên trong Chapter của bạn đạt thành công.

Một trong những mục tiêu của bậc thầy kết nối là giúp các đối tác kết nối của mình cảm thấy rằng bạn là một cầu nối đến thông tin hữu ích và đặc quyền. Lời khuyên bạn đã trao đi có thể khiến các nguồn referral tiềm năng tìm đến bạn để tìm giải pháp cho vấn đề của riêng họ, đó là cách tuyệt vời để nhắc họ về những gì bạn có thể làm cho người khác.

Đây là một số mẹo giúp bạn quyết định nội dung cần chia sẻ với mạng lưới kết nối của bạn và cách chia sẻ nó với họ:

  • Lập một danh sách các chủ đề bạn cảm thấy thoải mái và tự tin đưa ra lời khuyên.
  • Quyết định xem bạn sẽ chia sẻ thông tin chính thức chẳng hạn như trong bản tin hoặc bài thuyết trình tại nhóm kết nối, hoặc không chính thức như ghi chú cá nhân.
  • Xác định tần suất bạn sẽ cung cấp những cập nhật về các chủ đề.
  • Yêu cầu nguồn referral nghĩ về những người có thể hưởng lợi từ lời khuyên của bạn.
  • Hỏi thăm định kỳ các thành viên xem họ có nhận thấy thông tin của bạn hữu ích hay không. Bạn cũng có thể hỏi xem họ có câu hỏi hay chủ đề nào khác mà bạn có thể chia sẻ không.
  • Đảm bảo rằng thành viên kết nối của bạn hiểu rằng họ có thể cho bạn biết nếu họ không còn muốn nhận những cập nhật của bạn.

Việc cung cấp thông tin có giá trị cho mạng lưới kết nối của bạn sẽ không chỉ giúp họ, mà còn khiến họ lưu tâm đến bạn và khuyến khích họ giới thiệu bạn và đánh giá cao kiến thức chuyên môn của bạn với những người họ quen biết.

Phương pháp tiếp cận Cho đi

Tôi đã học về sức mạnh của sự cho đi khi tôi đảm nhiệm vị trí quản lý đầu tiên làm việc cho một doanh nghiệp tư nhân. Tôi gặp gỡ từng thành viên trong đội ngũ của tôi và hỏi, “Tôi có thể giúp gì cho bạn?” Bằng cách đề nghị giúp đỡ người khác với câu hỏi đơn giản này, tôi đã xây dựng các mối quan hệ bền vững với họ và đã nhận ra điều họ cần nhất ở tôi.

Sau này tôi đã khám phá ra rằng cách tiếp cận này đã mang lại hiệu quả rất nhiều trong việc thúc đẩy dịch vụ cố vấn của tôi trong công việc kinh doanh của riêng mình. Tôi tìm mọi cách để giúp mọi người – ngay cả khi nó không mang nghĩa là tôi bán dịch vụ của mình cho họ. Thái độ giúp đỡ bằng cách tiếp cận “cho đi” là một cách để xây dựng sự uy tín của tôi và nó mang mọi người lại gần tôi mỗi khi họ có nhu cầu.

Khi nói đến việc xây dựng mối quan hệ và tạo sự tin tưởng, cung cấp lời khuyên có giá trị gia tăng là một trong những cách tốt nhất để làm điều đó. Mọi người đều có thể hưởng lợi khi bạn cung cấp thông tin có giá trị đến với nhóm kết nối kinh doanh và đối tác kết nối của bạn.

Bạn có thấy hữu ích khi chia sẻ một số kiến thức chuyên môn của mình với khách hàng tiềm năng không? Tôi muốn đọc những trải nghiệm của bạn dưới phần bình luận.

(Nguồn: ivanmisner.com)

Newsletter

Đăng ký tham dự

Bạn muốn tham dự một buổi họp hàng tuần của chúng tôi chứ?